Đang trực tuyến: -18
Tổng số lượt truy cập: 1.120.618
Quốc hội muốn thẩm tra gói giải pháp 29.000 tỷ đồng
Cập nhật ngày: 06/05/2012 lúc 07:40 (GMT +7)

Do chưa nhận được đề xuất về gói giải cứu doanh nghiệp trị giá 29.000 tỷ đồng, Ủy ban Thường vụ cho rằng Chính phủ cần báo cáo Quốc hội về vấn đề này để có thể sớm thẩm tra và ra nghị quyết riêng.
> 5 nhóm giải pháp cứu doanh nghiệp
> Dành 29.000 tỷ đồng ‘cứu’ doanh nghiệp

Thảo luận tại Ủy ban Thường vụ sáng 5/5 liên quan tới Nghị quyết của Chính phủ về các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp sẽ được ban hành trong vài ngày tới, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị Ủy ban Tài chính ngân sách phối hợp với Bộ Tài chính rà soát lại. Những quy định nào liên quan tới luật thuế thì phải trình Quốc hội để ra Nghị quyết về vấn đề này.

Trong khi đó, theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Phùng Quốc Hiển, Chính phủ chưa có đề xuất gì về việc giảm, giãn miễn thuế với 29.000 tỷ đồng gửi tới Ủy ban này dù đây là việc từng có tiền lệ vào năm 2009.

“Đề nghị Văn phòng Quốc hội chuẩn bị sớm để đưa vào chương trình kỳ họp Quốc hội tới cũng như để Ủy ban Tài chính có thể thẩm tra sớm và có nghị quyết riêng về vấn đề này”, ông Hiển nói.

Ảnh: Nguyễn Hưng.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu Chính phủ phải có báo cáo về gói hỗ trợ 29.000 tỷ đồng. Ảnh: Nguyễn Hưng.

Nhất trí với ông Hiển, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu Văn phòng Quốc hội làm việc với Chính phủ để có báo cáo về gói hỗ trợ. Nếu cần ra Nghị quyết thì làm quy trình để thẩm tra, nếu không thuộc thẩm quyền thì gửi Quốc hội để báo cáo. Cũng trong phiên họp sáng nay, Văn phòng Quốc hội cho biết, nhiều đại biểu đề nghị Chính phủ có báo cáo tại kỳ họp Quốc hội cuối tháng về tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và các giải pháp tháo gỡ.

Trong phiên họp báo thường kỳ chiều 4/5, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, trong ít ngày tới, Chính phủ sẽ có nghị quyết chuyên đề về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Tuy không phải là một gói kích cầu, nhưng theo người phát ngôn của Chính phủ, đây là một hệ thống giải pháp vĩ mô, bao gồm tài khóa, tiền tệ, cải cách hành chính… nhưng trọng tâm là hỗ trợ tài chính, thuế cho doanh nghiệp.

Liên quan tới đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế, sáng 5/5, nhiều ủy viên thường vụ Quốc hội tranh luận việc có nên ra một nghị quyết về đề án này trong kỳ họp tới hay không. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho rằng, cần ra nghị quyết về vấn đề này và khi xây dựng phải lưu ý cách thể hiện. Theo đó, Quốc hội cơ bản tán thành đề án tổng thể, còn đề án thành phần tùy thuộc mức độ sau này có thông qua không là một việc khác.

“Đề án thành phần nếu liên quan tới những vấn đề lớn vẫn phải trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thông qua. Tránh tình trạng Quốc hội thông qua một lần đề án chung, Chính phủ, các bộ lại cứ dựa vào đó để làm”, ông Lý nói.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển lại cho rằng, chúng ta đã có nghị quyết kinh tế, xã hội 5 năm. Trong đó đưa ra các mục tiêu và giải pháp về tái cấu trúc nền kinh tế. Theo quan điểm của người đứng đầu Ủy ban Tài chính, nếu coi đây là giải pháp thì nên để Chính phủ thực hiện trong phạm vi điều hành của mình. “Quốc hội chỉ nên góp ý và Chính phủ hoàn chỉnh xây dựng kế hoạch tái cơ cấu”, ông Hiển nói.

Mặt khác, theo ông Hiển, đưa ra thành Nghị quyết cũng không đơn giản bởi tới thời điểm này vẫn chưa làm rõ được nguồn lực, thời gian thực hiện… nên Quốc hội chỉ dừng lại ở mức tham gia góp ý kiến.

Bảo vệ quan điểm của mình, ông Lý đặt câu hỏi: “Chả lẽ các vấn đề nghe xong rồi để đó?”. Theo ông, Thường vụ phải có thái độ, nếu chưa đủ để ra nghị quyết thì để kỳ sau để Chính phủ thực hiện lại. Còn Quốc hội cần có nghị quyết về mặt nguyên tắc với nội dung và với từng đề án cụ thể, đồng thời quy định cấp nào có thẩm quyền quyết định.

“Liên quan tới hàng nghìn tỷ đồng ngân sách mà để một mình Chính phủ làm, như thế có được không? Các nước còn ra hẳn luật về tái cơ cấu”, người đứng đầu Ủy ban Pháp luật nói.

Kết thúc phần tranh luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định, Quốc hội sẽ không thả lỏng vấn đề này. Ông Hùng yêu cầu đề án tái cơ cấu kinh tế sẽ phải được thảo luận tập thể để tập hợp trí tuệ của 500 đại biểu Quốc hội. Sau đó Quốc hội sẽ có một thông báo kết luận tổng hợp ý kiến thảo luận, gửi cho Chính phủ.

Nguyễn Hưng (http://vnexpress.net)

l