Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân nhìn nhận
kết quả ban đầu điều tra cháy nổ xe có thể chưa thỏa mãn dư luận, Bộ sẽ
tiếp tục nghiên cứu giả thiết xăng dầu là nguyên nhân gián tiếp gây cháy
xe.
> 'Chưa thể kết luận cháy xe do chất lượng xăng'
 |
Bộ trưởng Nguyễn Quân. Ảnh: VGP. |
Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ là khách mời thứ 12
tham gia chương trình Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời trên cổng thông tin
Chính phủ, theo chỉ đạo của Thủ tướng từ đầu tháng 3 tới nay. Tại buổi
đối thoại trực tuyến với nhân dân hôm nay, Bộ trưởng dành hơn 2 tiếng
trả lời về nhiều vấn đề quan trọng của ngành như cơ chế ưu đãi nhà khoa
học, tái cơ cấu, đổi mới mô hình quản lý khoa học và công nghệ, cây
trồng biến đổi gene, lĩnh vực sở hữu trí tuệ, chất lượng mũ bảo hiểm và
đặc biệt là câu chuyện điện hạt nhân, cháy nổ xe cơ giới thời gian qua.
Liên quan tới cuộc điều tra liên bộ về nguyên nhân
cháy, nổ xe cơ giới, một nhà khoa học đã nêu quan điểm với Bộ trưởng
rằng kết luận ban đầu liên Bộ mới đưa ra không thuyết phục vì không chỉ
ra được nguyên nhân làm số vụ cháy nổ xe tăng đột biến gần đây. Theo nhà
khoa học này, các kết quả chỉ phản ánh những sự cố hy hữu mà bao năm
qua vẫn tồn tại, trong khi đó chỉ trong vòng gần 2 năm rưỡi gần đây đã
có 349 vụ cháy, nổ xe máy, ôtô xảy ra.
Bộ trưởng Nguyễn Quân cho rằng cháy nổ xe cơ giới
không phải hiện tượng cá biệt của Việt Nam, tất cả các nước trên thế
giới đều có hiện tượng này, chỉ khác nhau về mức độ. Tuy nhiên, ông thừa
nhận kết luận điều tra công bố mới đây chỉ là sơ bộ, có thể chưa làm
thỏa mãn quan điểm của nhiều người khi mà tỷ lệ các xe cháy tăng đột
biến trong hai năm 2010 và 2011.
Thủ tướng đã chỉ đạo liên Bộ Công an, Giao thông vận
tải, Khoa học và Công nghệ và Công Thương phối hợp xác minh nguyên nhân
và đề xuất giải pháp hạn chế cháy nổ xe cơ giới.
"Vừa qua Bộ Công an đã chủ trì cũng các Bộ tổ chức họp
báo công bố bước đầu kết quả điều tra cháy nổ. Có thể kết luận chưa làm
thỏa mãn quan điểm của nhiều người dân. Nhưng việc cháy nổ xe cơ giới
không phải hiện tượng cá biệt của Việt Nam, tất cả các nước trên thế
giới đều có hiện tượng này, chỉ khác nhau về mức độ", ông Quân nói.
Tiến sĩ Quân nhấn mạnh: "Xăng dầu chỉ là chất cháy, để
nó cháy được phải có tác động của nguồn nhiệt, cụ thể là tia lửa. Có
thể xăng dầu là nguyên nhân gián tiếp gây cháy chứ không phải trực
tiếp".
Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường và Chất lượng đã vào cuộc
lấy mẫu từ các xe bị cháy còn sót lại, lấy mẫu từ các cây xăng mà các
xe này đã mua xăng theo khai báo của chủ xe để xét nghiệm.
"Tất cả các mẫu xét nghiệm này đều không vi phạm quy
chuẩn kỹ thuật quốc gia về xăng dầu. Bộ Công an đánh giá, nguyên nhân
gây cháy nổ khoảng trên 30% là chập điện, trên 15% là sự cố kỹ thuật
khác, còn lại có nguyên nhân khác như vô tình hữu ý của người sử dụng xe
gây cháy", tiến sĩ Quân nói.
 |
Xăng kém chất lương đang là nghi can lớn nhất gây hàng loạt vụ cháy xe. Ảnh: Huỳnh Bảo. |
Sau kết luận của Bộ Công an, một số nhà khoa học đề
xuất các cơ quan chức năng nên điều tra theo hướng khác. Đó là khi các
vụ cháy nổ xảy ra, xăng dầu ở thời điểm đó không phải là nguyên nhân
trực tiếp, song có thể chất lượng xăng dầu của thời gian trước đó là
nguyên nhân gián tiếp gây ra những sự cố này.
"Tôi nghĩ đây là hướng đi tốt để tìm nguyên nhân gây cháy xe cơ giới", ông Quân nói.
Bộ trưởng Nguyễn Quân phân tích, trước đó nhiều tuần,
nhiều tháng, thậm chí hàng năm, nếu xe máy có sử dụng xăng dầu pha chất
phụ gia gây hại như acetone với hàm lượng cao, sẽ ăn mòn chi tiết động
cơ, làm thủng bình chứa xăng, thủng đường ống dẫn bằng nhựa, làm thoái
hoá gioăng đệm của động cơ, dẫn tới rò rỉ xăng ở mức độ nghiêm trọng và
trong quá trình vận chuyển trên đường, với ma sát của các bộ phận cơ khí
với tia lửa của chập điện, rất dễ xảy ra cháy nổ.
Tuy nhiên, khó khăn là chúng ta không thể điều tra, xét nghiệm lại các mẫu xăng dầu của giai đoạn trước vì đã được tiêu thụ hết.
Ông Quân cho rằng, cùng với việc tiếp tục điều tra
nguyên nhân gây cháy nổ, các bộ ngành phải kiểm soát thật chặt chẽ chất
lượng xăng dầu. Phía Bộ Khoa học thời gian qua đã cùng các đơn vị trực
thuộc, phối hợp các Bộ khác thường xuyên thanh tra, kiểm tra, xử phạt và
công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng những cây
xăng, đại lý vi phạm về đo lường chất lượng xăng dầu.
Thông thường, 3-4 năm, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ
chức thanh tra diện rộng toàn quốc về xăng dầu, kiểm tra toàn bộ mạng
lưới phân phối và bán xăng dầu đồng thời xử phạt hàng nghìn cây xăng có
vi phạm về đo lường và chất lượng xăng dầu. Tổng số tiền phạt trong
những đợt này thường dao động từ 3 đến 5 tỷ đồng.
Trong các đợt thanh tra diện rộng về xăng dầu, Bộ Khoa
học và Công nghệ ngoài xử phạt về hành chính đã kiến nghị Bộ Công
Thương rút giấy phép kinh doanh nhiều đại lý xăng dầu vi phạm, vi phạm
cả về đo lường và chất lượng.
Trước câu hỏi của người dân về chế tài xử phạt chưa
nghiêm minh, còn lúng túng, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho hay, việc xử lý
các vi phạm về chất lượng xăng dầu phải theo quy định của pháp luật. Bộ
đã xây dựng và trình Quốc hội thông qua Luật Chất lượng sản phẩm hàng
hóa, Luật tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, Luật Đo lường, trình Chính phủ
ban hành các Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực
này, các mức xử phạt của các Nghị định này phải tuân thủ mức xử phạt
chung của Nghị định xử phạt vi phạm hành chính.
Trước đây mức xử phạt không đủ răn đe với mức phạt rất
thấp. Vừa rồi mức phạt được nâng lên tới 500 triệu đồng, trong trường
hợp đặc biệt còn có các chế tài khác kèm theo.
Theo ông Quân, thực tế, đã có nhiều cây xăng bị thu
hồi vĩnh viễn nếu vi phạm nghiêm trọng. Có cây xăng chỉ bị thu hồi một
thời gian, điều này cũng nằm trong quy định của pháp luật nếu mức vi
phạm không đủ nghiêm trọng. Hoặc doanh nghiệp có thể bị giải thể sau đó
thành lập doanh nghiệp mới lại được quyền đăng ký kinh doanh thì cũng
không thể loại trừ.
Cuối năm 2011 và đầu năm 2012, cả nước liên tục xảy ra
các vụ cháy, nổ ôtô, xe máy gây thiệt hại lớn về người và tài sản.
Nhiều nghi vấn về nguyên nhân cháy nổ đã được đề cập, phân tích nhưng
nguyên nhân cuối cùng vẫn chưa tìm thấy.
Đại tá Nguyễn Văn Tươi, Cục phó Cục Cảnh sát PCCC và
Cứu nạn cứu hộ cho biết, năm 2010 - 2011, toàn quốc xảy ra 276 vụ cháy
ôtô và 48 vụ cháy, nổ xe máy. 3 tháng đầu năm 2012 đã xảy ra 115 vụ cháy
xe, làm 3 người bị thương, thiệt hại trên 20 tỷ đồng.
Liên quan tới vấn đề phát triển điện hạt nhân, nhiều ý
kiến bày tỏ lo ngại về tính an toàn. Tuy nhiên Bộ trưởng Quân cho hay,
trước mắt, Việt Nam chưa thể tìm nguồn năng lượng khác vượt qua điện hạt
nhân. Dầu và than của nước ta đang cạn kiệt, năng lượng mới, công nghệ
mới chỉ là sản xuất nhỏ, giá thành cao, không đáp ứng nhu cầu phát triển
của đất nước trong giai đoạn tới.
Tại các nước đóng cửa nhà máy điện hạt nhân, họ là
nước phát triển có đủ tiền để mua dầu mỏ từ Trung Đông, mua than hay khí
thiên nhiên từ quốc gia khác, nhưng với Việt Nam, tất cả yếu tố đó đều
bài toán chưa thể giải đáp. Việt Nam không đủ tiền nhập nguồn nhiên liệu
hóa thạch với gia ngày càng cao, cũng chưa có công nghệ sản xuất điện
từ năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, gió.
Với nhà máy điện hạt nhân, Việt Nam đã có chương trình
hợp tác, tìm kiếm đối tác, trước mắt thuê chuyên gia tư vấn trong việc
thẩm định hồ sơ thiết kế cũng như báo cáo đầu tư của chủ đầu tư và nhà
thầu.
Về chính sách phát triển khoa học trong gia đoạn 2011 -2020,
Bộ trưởng cho biết đến năm 2020, khoa học và công nghệ sẽ góp phần đáng
kể vào tăng trưởng kinh tế và tái cấu trúc nền kinh tế, giá trị sản
phẩm công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao đạt khoảng 45%
GDP. Tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị đạt trên 20%/năm giai đoạn 2016 -
2020, Giá trị giao dịch của thị trường khoa học và công nghệ tăng trung
bình 15 - 17%/năm.
Ông Quân thừa nhận nhiều đề tài nghiên cứu khoa học
đang xếp ngăn kéo, nguyên nhân là do quy trình thủ tục để tuyển chọn,
xét chọn nghiệm thu đánh giá các đề tài, dự án nghiên cứu.
"Bộ Khoa học đang chuyển dần sang cơ chế đặt hàng.
Nghĩa là, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương chủ động đặt hàng nhà
khoa học. Khi đặt hàng thì theo nguyên tắc, ai đặt hàng người đó hỗ trợ
kinh phí, chịu trách nhiệm tiếp nhận kết quả và đưa kết quả vào sản xuất
kinh doanh. Cơ chế đã bắt đầu áp dụng từ 2011", ông Quân nói.
Hiện Bộ Khoa học và Công nghệ đang chuyển dân từ tổ
chức khoa học công nghệ công lập sang cơ chế hoặc động tự chủ, tự chịu
trách nhiệm, tổ chức nào hoạt động tốt hơn sẽ có thu nhập nhiều hơn, làm
nhiều đề tài, dự án sẽ hưởng lương nhiều hơn, ai không làm sẽ không
được hưởng.
Trong lĩnh vực cây trồng biến đổi gene, theo Bộ trưởng
Quân, Việt Nam cần hết sức thận trọng, ở nước ta mới đưa vào sản xuất 3
loại cây trồng là bông, đỗ tương, ngô phục vụ cho chăn nuôi, chưa đưa
vào nguồn thức ăn cho con người.
Bộ Khoa học và Công nghệ đã đề nghị Bộ Nông nghiệp và
Phát triển Nông thôn, các cơ quan khoa học phải có giai đoạn khảo nghiệm
thận trọng, khi nào có kết luận các đáng là những sản phẩm cây trồng
biến đổi gene không gây hại với sức khỏe con người, không gây ô nhiễm
môi trường thì mới sử dụng đại trà.
Các văn bản về quản lý câu trồng biến đổi gene đã được
các bộ ban hành, đặc biệt có Luật đa dạng sinh học đề cập nhiều điều
khoản liên quan tới sinh vật biến đổi gene.
Trước thắc mắc về tranh chấp thương hiệu, doanh nghiệp
Việt Nam luôn chịu thua thiệt, vị lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ cho
rằng, bên cạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của doanh nghiệp Việt
Nam, các cơ quan quản lý phải cùng vào cuộc hỗ trợ cho doanh nghiệp.
Bộ đã yêu cầu các bộ phận đại diện khoa học công nghệ
Việt Nam ở nước ngoài cùng với các cơ quan đại diện ngoại giao của chúng
ta tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam, phát hiện giúp địa bàn nào
mà hàng hoá Việt Nam có thể đến được, thì các doanh nghiệp sản xuất hàng
hoá đó phải sớm đăng ký để bảo hộ thương hiệu, nhãn hiệu hàng hoá của
họ ở địa bàn đó để tránh tình trạng bị lợi dụng.
Cũng tại buổi đối thoại, Bộ trưởng Nguyễn Quân bày tỏ
những điều còn trăn trở đó là nguồn đầu tư cho khoa học còn ít, cơ chế
tài chính khoa học chưa thỏa đáng và chính sách đãi ngộ đối với các nhà
khoa học.
"Nếu không có chính sách đãi ngộ thoả đáng, hợp lý và ở
mức cao đối với cán bộ khoa học, chắc chắn chúng ta khó có những chuyên
gia hàng đầu, khó có tổng công trình sư, kỹ sư trưởng để có thể chủ trì
những công trình lớn của quốc gia như cầu dây văng Bãi Cháy, dàn khoan
tự nâng 90 m nước, 120 m nước, như nhà máy điện hạt nhân", tiến sĩ Quân
nhấn mạnh.
Hương Thu (http://vnexpress.net)